KINH HÃI BẰNG CẤP

Nó  vẫn nhớ cái buổi chiều hè hôm đó , buổi chiều nó cảm giác như mình  đang bay  , khi vừa bước vô nhà bà chị nhìn  nó cười tủm tỉm  rồi thông báo : Em không …rớt.

 Không nhớ khi đó tin tức truyền đi bằng cách nào và tin thi đậu đại học đã đến như vầy và đêm hôm đó là một đêm nhiều lâng lâng , trằn trọc với nhiều ước mơ của nó cho những ngày tiếp theo : là một sinh viên đại học .

Đó là một trường cũng khá danh giá thời bấy giờ nếu  thi đậu cũng như rớt  ,  cả nước hàng nghìn thí sinh chỉ tuyển 90 sinh viên . Trường có 5 khoa : Cơ khí , Khai Thác – Hàng hải , Chế biến  , Nuôi trồng thủy sản và Kinh Tế .

Nhưng đậu là một chuyện còn học khoa nào  , ngành nào là một chuyện hoàn toàn khác ,  nhất là bọn con trai :  có chịu đựng cuộc thử sóng do  trường tổ chức  hay không nếu như học Cơ Khí hay Khai Thác – Hàng Hải .

Thực sự việc  chọn trường thi vào  không như ý định ban đầu nó . Niềm vui cho bà chị mang lại cho gia đình khi bà thi đậu đậu đại  học Kinh Tế tp HCM đã mang lại rât nhiều cảm hứng cho thằng em mình , lúc đó nó mới thi đậu vô lớp 10 .

Lần nghỉ hè vô SG chơi có dịp ghé vô đại học kiến trúc , hình ảnh những sinh viên kiến trúc ,kẹp bản vẽ với mái tóc dài bồng bềnh rất nghệ sỹ đã  thuyết phục nó nên chọn thi trường này . Thi đơn giản Toán , Lý và vẽ .
Toán ,  Lý nó  không cảm thấy  lo nhiều chỉ ngại món  vẽ nó chưa biết thi như thế nào .

Thế là hè năm 11 nó khăn gói quả mướp vô ở trọ nhà anh chị bà con  trong một căn hẻm  gần đại học Vạn Hạnh cũ , giờ là cầu Công Lý   từ đó đến chợ Vườn Chuối nhà ông thầy dạy vẽ hình họạ để học luyện thi  vẽ . . Thường là đi bộ vì khi nào bà chị nghỉ học mà bà lại ở tít kí túc xá Trần Hưng Đạo  lên mượn mới có xe đạp  mà đi .

Nó vẫn nhớ căn phòng luyện vẽ nằm trên căn gác đường  Vườn Chuối  quận 3 như một tiệm bán đồ cũ . Những  vật dụng để làm mẫu cho học sinh học vẽ nó bất kỳ là gì cũng phải nhìn ra nó thuộc hình khổi nào  : trụ , chữ nhật hay là khối cầu để tiến hành dựng hình với cái que làm bằng  tăm xe đạp dùng  để ngắm  ước lượng tỉ lệ vật thể liên quan   . Một bài vẽ thường bao gồm vài vật thể thuộc cái hình khối như vậy . Khi dựng hình xong là tiến hành đánh bóng mô tả ánh sáng và làm cho hiển thị vật thể giống như thuật ngữ hiện dụng là 3D .

Cái ý định ban đầu đã từ bỏ vì khi nó tham gia  lớp học vẽ  . Một buổi vẽ tầm 4-5h trong khi nó đang lui cui dựng hình chưa xong thì các anh chị chung quanh đã đánh bóng nộp bài và vẽ thêm bài khác để nộp . Nó không biết họ là những người đã luyện thời gian lâu rồi , đến đây chỉ để luyện thi năm này .

 Trên con đường dài mùa mưa ướt dầm dễ trở về , vừa đói vừa mệt , lê tấm thân còm đi ngược lại về nhà anh chị giờ là cầu Công Lý nó tự thấy môn này mình chơi không lại người ta rồi vì nó  ở tỉnh lẻ  không có người dạy để học tiếp .

Cùng với cái di chuyển về lại quê nhà trong mùa hè ấy là nổi ám ảnh cực kỳ không thể  quên với nó cho đến tận ngày hôm nay . Cái vé tàu .

Ông anh bà con đã tỏ ra cáu vì nó cứ đi ra ga BÌnh Triệu rồi trở về với tay không , ông cho là nó không biết chịu khó . Dù đi sớm cỡ nào và xếp hàng kiên cường chưa đến lượt nó thì không còn  vé .

Cuối cùng đến cái ngày cũng phải lên tàu về nhà … nó đã nhảy tàu  . Đó là một đêm khiếp đảm . Không  có ánh đèn toa tàu chật cứng người , gần như không có thể thở được , mùi mồ hôi , khét nghẹt ,tiếng la hét , chười thề loạn xạ  , quá ngột  ngạt , mọi người như  không thể  ngồi hay nằm ,  chỉ có đứng . Nó nói với một người bên canh cầm giùm hành lý để trèo  lên nóc toa như một số người lớn đang làm . Ông ấy chỉ bảo rằng mày có biết tao là ai không mà dám đưa hở và không cầm .

Dường như sau đó người bên đường  sắt đã phát hiện  ra tình trạng này trên các toa  tàu  và tàu đã dừng lại ga gần nhất móc thêm toa và nó nhảy xuống để chuyển sang toa mới . Lên được toa trống rỗng mừng húm chợt một người nhân viên nhà ga  tiến lại hỏi đi đâu đây ? Ông giải thích toa nối chuyến là toa khác . Thế là ba chân bốn cẳng nó cắm đầu chạy   về hướng ông ấy chỉ .

Đến nơi thì toa này cũng chỉ còn chỗ đứng , đỡ chật chội hơn toa cũ hôi nãy .

Cho đến lúc gần kì thi đại học nó quyết định chọn thi Đại Học Hải Sản tại Nha Trang – cho nó gần khỏi mất công đi lại  và không phải thi vẽ nữa  . Và cái khoa  không bao nó  giờ nghĩ đến sẽ học lại chọn nó : khoa Kinh Tế . Học vị sau khi tốt nghiệp  rất kỳ quái  : Kỹ Sư chứ không phải cử nhân .

Thường thì sinh viên thằng nào hông biết sức mình chịu sóng ra sao , trường báo thử thì thằng nào không chuẩn bị trừ mấy ông con nhà làm nghề  biển đi biển đã quen sóng quen gió .

 Nó cũng vậy uống mấy viên thuốc chống say sóng , lên tàu lựa chỗ ít lắc . Nhưng mấy ông thầy dẫn đi thử cũng hông dạng vừa cho chạy ra ngoài khơi . Lúc tàu chạy thì thuốc còn tác dụng với lắc lư nhồi nhiếc chưa ăn thua , đến trưa tàu dừng lại thả trôi thì lúc ấy rất chi là khó chịu hơn tàu chạy rất nhiều .

Một số chiến sĩ không cầm cự được , các thầy cầm sổ đi quanh đánh dấu vào   danh sách lần một . Đến chiều sóng lớn hơn khi sáng tàu chạy vô . Thêm một số chiến sỹ không cầm cự được nữa . Các thầy đi quanh quánh dấu vô sổ  thêm lần nữa  . Và đợt cuối cùng khi gần đến bờ tàu chạy dọc bờ cho sóng nhồi thêm lần nữa . Thuốc cũng đã hết tác dụng .  Thầy đánh dấu   vô sổ rất  cẩn thận . Xong .

Không Cơ Khí , không hàng hải ,  không chế biến  nó được biên chế  vào khoa kinh tế .

Mấy ngày rong ruổi Mũi Né vừa rồi cùng các bạn thời sinh viên cùng khoa cùng trường làm  nó nhớ lại  một thời vô cùng gian lao pha chút bùi ngùi  chặng đường hao tổn noron thần kinh kể cả tuổi xuân …nhiều phí phạm oan uổng he he  J  để  tốt nghiệp bước ra khỏi trường .

.

Cuối cùng nó tặc  lưỡi thì cũng như nhiều người khác cùng thời , đó là sản phẩm của thời bao cấp và ảnh hưởng bao trùm của Liên Xô thời bấy giờ : nhà nước quản lý tất tần tật  …nên cần nhân sự có trình độ quản lý từng ngành kinh tế  .

Muốn quản lý ngành thủy sản thì tư duy của mấy thầy được giao trách nhiệm soạn giáo trình  cọp  tài liệu nghề cá của Liên Xô  thì  nhơn sự ấy phải biết rõ về kỹ thuật của ngành thủy sản  , thế là bao nhiêu môn kỹ thuật của cơ khí , khai thác hàng hải , chế biển , nuôi trồng đều phải học cùng với  các môn kinh tế xào nấu và pha chế thêm từ trường đại học kinh tế quốc dân ngoài Hà Nội .

Thế thì làm sao mà các ông các bà học kỹ thuật học mất  5 năm , mà những đứa ốm o gầy gò kinh tế cũng phải học hết tất tần tật chừng ấy món cũng 5 năm . Thế rồi như Nhậm Ngã hành của Ma Giáo  chỉ có dùng Hấp Tinh Đại Pháp thôi . Những cái tinh túy của cơ khí ; HÌnh họa , Vẽ kỹ thuật , Nguyên lý máy , Chi tiết máy , Sức bền vật liệu , Công nghệ kim loại , Cơ  khí tàu thuyền  …, Khai Thác hàng Hải : dệt lưới , kỹ thuật khai thác đánh bắt cá , …Chế biến : nguyên lý máy lạnh , cách chế biến bảo quản thủy sản , chưa kể Vật lý đại cương , hóa đại cương , hóa sinh …Toán kinh tế : đại số tuyến tình , Qui hoạch tuyến tính…

Và chưa dám  nói đến các môn thuộc phẩm chất đạo đức người sinh viên dưới mái trường xhcn : Triết học Mác Lê Nin , Kinh Tế chính trị , Lịch sử Đảng .

Và có những môn tưởng chừng vô thưởng vô phạt   học cho vui nhưng ở lại lớp thật như bắn súng thuộc  môn quân sự mà  tí nữa nó bị cấm thi bắn vì tóc để dài thầy dạy quân sự không được ưa mắt  lắm , hay như thể dục với rất nhiều bộ môn mà vân động viên thể thao chuyên nghiệp cũng khó có thể nào học hết được , không may không qua cũng bị tính rớt ,phải ở lại lớp một cách đớn đau  khiến nhiều   người còn hận tới bây giờ .

Thật sự khi lần đầu nhìn  cái bằng tốt nghiệp đại học mà cả đời không ai hỏi đến nó trừ băng lái xe , nó nghĩ tới nghĩ lui không biết nên tự hào hay e thẹn . Nhưng sau 30 năm ra trường , nhất là vừa rồi gặp lại các bạn cùng khoa cùng trường nó nhìn lại tấm bằng với một cái nhìn khác : của quí .

Vì sao ?

Bởi vì giờ nó hiếm ,  cả thế giới và VN bói đâu ra cái bằng như thế này cơ chứ : Kỹ sư kinh tế .

Ấy là nói cái sự học còn cái sự sinh hoạt thì ôi thôi nó để dành cho các bạn khác trong trường nhá .Nhưng cảm nghĩ của nó rằng sinh viên ở ký túc xá trường nó chỉ hơn phạm nhân được cái là tự do đi lại .

Image may contain: 14 people, people smiling, people standing and outdoor

 

Kỷ niệm  chuyến phượt Mũi Né cùng một số  bạn khoa  kinh tế trường đại học thủy sản 3/06/2017

No automatic alt text available.

 

Back To Top